Sapa tháng 6 – CÓ GÌ HOT ???

Tháng 6 không phải mùa hoa đào, hoa ban. Đến Sa Pa vào lúc này, vẻ lặng lẽ nơi đây có sức quyến rũ riêng không hề giống bất cứ nơi đâu.

Vượt qua 10 tiếng đồng hồ chờ đợi trên xe lửa và ô-tô với tâm trạng háo hức, chúng tôi thấy thị trấn Sa Pa hiện lên thấp thoáng qua màn sương. Không gian đặc quánh mùi sương dìu dịu, lành lạnh hòa quyện mùi nồng nồng của đất ẩm kích thích khứu giác mọi người.

Nằm ở độ cao 1.600 m, cách thành phố Lào Cai 38 km và cách Hà Nội 376 km, Sa Pa có khí hậu ôn đới. Một ngày có đủ bốn mùa xuân – hạ – thu – đông, với nền nhiệt độ trung bình 15 – 18°C. Thời tiết Sa Pa thay đổi giống như người thiếu nữ làm duyên, lúc nhẹ nhàng, ấm áp, lúc lại lạnh lùng, băng giá.

Cái nắng oi ả, nóng nực đến toát mồ hôi của Hà Thành “chạy trốn” đâu hết, chỉ còn nghe cái mát lạnh tê tê mơn man da thịt, cái cù buồn buồn của gió nơi tóc gáy.

Bản làng Sa Pa bồng bềnh ẩn hiện trong sương khói.

Sa Pa buổi sớm với không gian mát mẻ tràn ngập mây trắng.

Sa Pa tháng 6 không phải mùa du lịch, lễ hội, nên thị trấn vốn đã yên tĩnh càng trở nên vắng lặng.

 

Sa Pa với những nóc nhà, con phố “ngủ yên” trong mây trời.

Suốt dọc hành trình không lúc nào chúng tôi không gặp mây. Mây nghịch ngợm, nô đùa như trẻ nhỏ, lúc dựng thành quách như những ngọn núi bạc, lúc lại tan ra thành một dòng sông trắng thênh thang trôi trên bầu trời bất tận. Mây ôm ấp từng ngọn núi, mây xòa bóng xuống các nóc nhà.

“Núi ấp ôm mây, mây ấp núi”.

Nắng ở Sa Pa cũng có nét riêng . Nắng không chói, không gắt. Nắng nhẹ và tươi. Nắng không màu. Nắng không bao trùm cảnh vật mà nhẹ nhàng lách qua lớp sương mỏng như những dải lụa trắng, mang dòng sữa tinh khôi chảy xuống thung lũng xanh tươi.

 

Thung lũng Sa Pa trong nắng sớm.

Nắng lên xua đi cái lạnh lẽo của Sa Pa. Cảnh vật bừng sáng, rõ ràng.

Hàm Rồng là điểm lý tưởng để chụp ảnh. Từ đây bạn có thể nhìn toàn cảnh Sa Pa. Núi Hàm Rồng nằm sát thị trấn Sa Pa, cao gần 2.000 m, trông xa tựa đầu rồng mờ ảo trong mây trắng. Muốn lên được núi Hàm Rồng, phải đi qua hai “cổng trời”. Đến “cổng trời”, nhìn lên chỉ thấy trời xanh bao la, nhìn xuống toàn mây trắng xóa.

Đường lên cổng trời.

Khu Hàm Rồng rộng khoảng 150 ha, mang nét hoang sơ của những rừng đá rêu phong, rừng đào cổ thụ. Nơi đây được ví như “nàng tiên của Sa Pa”.

Một góc Sa Pa nhìn từ núi Hàm Rồng.

Khoe sắc cùng mây và nắng, hoa làm nên nét duyên của cảnh sắc Sa Pa. Sa Pa được ví như “thiên đường của các loài hoa” với 400 loài lan đặc hữu, mỗi loài mỗi vẻ: Cẩm tú cầu, tràng pháo, lay ơn, đỗ quyên…Đến Sa Pa vào tháng 6, bạn được ngắm phong lan nở khắp rừng, từ bờ suối đến khe sâu.

Hoa lan khoe sắc trong tiết trời tháng 6.

Các loài hoa Sa Pa nở rộ dưới chân núi Hàm Rồng.

Những bụi cẩm tú cầu – “đặc sản” Sa Pa đang lặng lẽ tỏa hương.

Trên đường vào bản làng Sa Pa, bạn được ngắm bạt ngàn ruộng bậc thang.

Những khu ruộng bậc thang xanh mướt của đồng bào Mông.

Buổi tối, men theo con đường đất nhỏ chúng tôi đến với khu chợ của người Dao và cảm thấy thích thú một số mặt hàng bày bán ở đó như vòng bạc, khuyên tai bạc, váy, áo, túi xách thổ cẩm…

Trang phục truyền thống của người Dao đỏ cầu kì, tỉ mỉ, gồm khăn, mũ, áo, quần, thắt lưng, xà cạp quấn chân và giày, dép. Để tạo thành bộ phục Dao đỏ đẹp, phải có 5 màu cơ bản, nhưng chủ đạo vẫn là màu đỏ.

Những gian hàng thổ cẩm đa dạng màu sắc của người dân tộc luôn là địa chỉ hấp dẫn nhiều du khách.

Ở chợ Sa Pa, đồ trang sức và thổ cẩm thật giả rất khó phân biệt. Giá mỗi chiếc vòng, lắc, khuyên tai…có thể từ 15.000 đến 50.000 đồng. Mỗi bộ quần áo thổ cẩm giá vài chục nghìn đồng. Nhưng hầu hết đều là hàng có xuất xứ Trung Quốc. Không thiếu những chiếc lắc, chiếc vòng được giới thiệu là bạc nhưng thực ra làm bằng thép, bên ngoài phủ nhôm. Những bộ quần áo không thêu bằng tay mà được dệt hàng loạt.

Còn hàng thổ cẩm thật của người bản địa có giá cao hơn vài trăm ngàn. Bởi để làm ra một tấm thổ cẩm bằng bàn tay hay dài hơn gang tay, các cô gái phải thêu mất nửa tháng. Làm ra một tấm áo, từ khi xe lanh đến lúc hoàn chỉnh bộ trang phục, phải mất vài tháng. Còn bộ váy áo của người phụ nữ, phải trải qua rất nhiều công đoạn. Chỉ cần nhìn bộ trang phục, cũng đủ biết sự cần mẫn, nhẫn nại của họ.

Hàng thổ cẩm ở Sa Pa đem lại nguồn thu không nhỏ cho người dân nơi đây.

Khi bóng tối bao trùm Sa Pa, cái se se lạnh theo về, chúng tôi tìm đến những quán hàng đêm ở trung tâm chợ, nơi bán những món ăn đặc sản mang cái tên hấp dẫn “đồ nướng Sa Pa”.

Mùi mỡ cháy xèo xèo trên bếp lửa, đồ nướng chuyển màu vàng ngậy, những tiếng nói lơ lớ của người Dáy giải thích về đồ ăn, sự ồn ào, náo nhiệt xung quanh tạo thành một tạp âm nhiều cung bậc. Cảm giác thích thú, khó quên khi được nhai hạt bắp nướng thơm ngào ngạt; cầm trên tay món trứng nướng nóng bỏng tay, vừa phủi vừa bóc vỏ nếm vị ngậy ngậy, thơm thơm. Đặc biệt, cái tê tê đầu lưỡi khi được ăn cánh gà nướng cay cay, món thịt cuộn rau nướng vừa bùi, vừa giòn, vừa béo.

Các món nướng ở Sa Pa được nhiều du khách ưa thích.

Sau khi thưởng thức các món nướng ở khu chợ ẩm thực chúng tôi tham gia một buổi giao lưu văn nghệ với đồng bào nơi đây. Khi tiếng gõ sạp nổi lên rộn rã, chúng tôi bất ngờ nhận ra vẻ duyên dáng của các chàng trai, cô gái dân tộc đang say sưa trong vũ điệu núi rừng.

Các du khách hứng thú tham gia các hoạt động văn hóa cùng đồng bào dân tộc nơi đây.

Có ai đã nói với tôi, Sa Pa đẹp và vắng. Có lẽ đó chính là cái hồn cốt của Sa Pa vào những ngày tháng 6 này. Sa Pa đẹp trong yên tĩnh, vắng vẻ và chính sự yên tĩnh ấy làm nên vẻ đẹp, sức hấp dẫn của nơi đây.

1900 6772
Xe giường nằm, xe limousine Hà Nội đi Sapa | 1900 6772 |Đặt vé nhanh
Logo
Enable registration in settings - general